Hà Nội sẽ khởi công nhiều dự án cầu qua sông Hồng và khởi công 3 tuyến đường sắt đô thị trong năm 2025.
Hà Nội đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công cầu Tứ Liên vào dịp 19/5. Tiếp đó, thành phố cũng sẽ khởi công cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi lần lượt vào dịp 19/8 và 2/9.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu có điểm đầu tại nút giao với đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ; điểm cuối tại nút giao với trục TC13, huyện Đông Anh.
Tổng mức đầu tư dự án hơn 20.000 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2025-2027.
Cầu Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Lê Thánh Tông, điểm cuối giao với đường Vũ Đức Thận.
Dự án xây dựng với tổng vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2025-2027.
Cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu có điểm đầu kết nối với điểm cuối dự án Vành đai 3,5 (đoạn từ Phúc La, Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ), điểm cuối nối với Vành đai 3,5 trên địa phận huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 11.800 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2025-2030.
Ngoài 3 dự án trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết trong năm 2025, thành phố quyết tâm khởi công bằng được tuyến đường sắt đô thị số 2 và số 5.
Theo ông Thanh, thành phố sẽ tập trung làm những tuyến metro còn lại, nghiên cứu thiết kế tổng thể đấu nối các tuyến làm sao đến 2035 cơ bản có thể khởi công, khánh thành, hoàn thành các tuyến metro lớn.
Chủ tịch Hà Nội cho rằng việc đầu tư các tuyến metro góp phần tăng trưởng, giải quyết các vấn đề xã hội như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, đồng thời là cơ hội để phát triển các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp tư nhân...
Tuyến metro số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5km, với 8,9km đi ngầm và 2,6km đi trên cao. Tuyến metro này có 7 ga ngầm và 3 ga trên cao.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án gần 35.600 tỷ đồng, tăng thêm hơn 16.000 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư được phê duyệt lần đầu năm 2008.
Điểm đầu của dự án là Nam Thăng Long theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài; điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo.
Tuyến metro số 5 có tổng mức đầu tư khoảng hơn 61.900 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu tại ngã 4 Văn Cao - Hoàng Hoa Thám (phường Liễu Giai, quận Ba Đình), điểm cuối tuyến tại khu vực cách ngã 4 Hòa Lạc về phía Hòa Bình 5km, thuộc địa phận xã Thanh Bình, huyện Thạch Thất.
Tổng chiều dài dự án hơn 38km theo hướng Văn Cao - Ngọc Khánh - Đại lộ Thăng Long - Vành đai 4 - Hòa Lạc (khoảng hơn 6km đi ngầm, khoảng 2km đi trên cao và khoảng 30km đi bằng). Tuyến này có 21 nhà ga gồm 6 ga ngầm, 15 ga nổi.
Hà Nội đã đưa vào hoạt động tuyến số 2A (đoạn Cát Linh - Hà Đông) từ tháng 11/2021 với chiều dài 13km, còn tuyến số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội) đã khai thác đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy với chiều dài 8,5km từ tháng 8/2024.
Theo Quyết định số 1569 ngày 12/12/2024 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ đầu tư xây dựng thêm 14 tuyến đường sắt đô thị.
Các tuyến này gồm tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên - Lạc Đạo); tuyến số 1A (Ngọc Hồi - Cảng hàng không thứ hai), tuyến số 2 (Nội Bài - Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo - Chợ Mơ - Ngã Tư Sở - Hoàng Quốc Việt và đoạn kéo dài đến Sóc Sơn); tuyến số 2A (đoạn Hà Đông - Xuân Mai), tuyến số 3 (đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai và đoạn Nhổn - Sơn Tây); tuyến số 4 (Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà).
Bên cạnh đó còn có tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc), tuyến số 6 (Nội Bài - Phú Diễn - Hà Đông - Ngọc Hồi), tuyến số 7 (Mê Linh - Dương Nội - Hà Đông), tuyến số 8 (Sơn Đồng - Mai Dịch - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá), tuyến số 9 (Mê Linh - Cổ Loa - Dương Xá), tuyến số 10 (Cát Linh - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa), tuyến số 11 (Vành đai 2 - Trục phía Nam - Cảng hàng không thứ hai); tuyến số 12 (Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Phú Xuyên).