Ưu đãi thuế chưa được luật hóa đầy đủ
Giới chuyên gia nhận định, một trong những rào cản lớn khiến hàng loạt dự án cải tạo chung cư cũ và phát triển nhà ở xã hội chậm triển khai là do chưa có chính sách thuế cụ thể, hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp tham gia. Đây đều là những lĩnh vực có tính chất xã hội cao, cần được hỗ trợ mạnh mẽ bằng công cụ tài khóa nhằm tạo động lực đầu tư, giảm chi phí và rủi ro tài chính cho các chủ đầu tư.
Chia sẻ với PV Lao Động, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung một số điều trong Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), nhấn mạnh đến việc bổ sung chính sách ưu đãi thuế cho hai lĩnh vực có vai trò xã hội đặc biệt nhưng đang gặp nhiều rào cản là cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và phát triển nhà ở xã hội để cho thuê.
Theo HoREA, Luật Nhà ở 2023 đã quy định rõ tại Điều 63 rằng chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được hưởng các cơ chế ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Thuế TNDN hiện chưa đề cập cụ thể đến loại hình này trong danh mục ngành nghề được hưởng ưu đãi thuế.
Đây là điểm nghẽn lớn khiến doanh nghiệp chưa mặn mà với các dự án cải tạo chung cư cũ, bởi loại hình này vốn đã tiềm ẩn nhiều rủi ro như chi phí giải phóng mặt bằng cao, thời gian thực hiện kéo dài, cơ chế đền bù và tỷ lệ tái định cư phức tạp.
Vì vậy, Chủ tịch HoREA kiến nghị bổ sung điểm mới vào khoản 2 Điều 12 của Dự thảo Luật, đưa hoạt động đầu tư, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 63 Luật Nhà ở vào danh mục ngành nghề được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để tăng tính hiệu lực và hấp dẫn của chính sách, hiệp hội đề xuất áp dụng thuế suất 10% cho thu nhập từ hoạt động đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư - tương đương với mức thuế suất hiện đang áp dụng cho các dự án nhà ở xã hội.
Hướng chính sách rõ ràng cho nhà ở xã hội cho thuê
Trong góp ý mới nhất gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HoREA đề xuất thuế suất ưu đãi 6% cho các dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê. Đây là loại hình được xác định là định hướng chủ đạo trong chính sách nhà ở quốc gia nhưng trên thực tế lại rất khó thu hút đầu tư do lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn kéo dài.
Dẫn chứng thực tiễn, HoREA cho hay, Luật Nhà ở 2014 từng có quy định rằng nhà ở xã hội cho thuê sẽ được hưởng mức ưu đãi thuế cao hơn so với nhà ở xã hội để bán hoặc cho thuê mua. Thậm chí, Nghị định 100/2015/NĐ-CP còn nêu rõ mức thuế TNDN cho loại hình này là 6%, thấp hơn 70% so với thuế suất thông thường.
Tuy nhiên, do không có quy định cụ thể trong Luật Thuế TNDN, nên trong suốt nhiều năm qua, mức thuế suất ưu đãi 6% chỉ tồn tại trên giấy mà không thể thực thi trong thực tế. Các doanh nghiệp vẫn phải nộp mức thuế 10% giống như các dự án nhà ở xã hội để bán, khiến định hướng phát triển nhà ở xã hội cho thuê gần như “đóng băng”.
Do đó, HoREA kiến nghị bổ sung vào điểm b khoản 2 Điều 13 Dự thảo Luật nội dung:
“Đối với thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê được áp dụng thuế suất 6% thuế thu nhập doanh nghiệp”.
Đồng thời, HoREA cũng đề xuất giữ mức thuế suất 10% cho các loại hình nhà ở xã hội còn lại, như để bán và cho thuê mua.